Khúc haiku về chú chó hoang- Lê Văn Truyền

alt

alt

Cîine părăsit / căutînd un stăpîn / să aibă după cine plînge

An abandoned dog

is looking for a master

just to bark for him

Con chó hoang

chạy tìm một ông chủ

chỉ để được sủa theo

Vasile Smărăndescu (România)

Lê văn Truyền dịch từ nguyên bản tiếng România

Cách đây hơn hai mươi năm, vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX, tình cờ tôi đọc được trên mạng internet bài phát biểu của Luật sư George Graham Vest (Hoa Kỳ) tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là một trong 100 bài diễn văn hay nhất trên thế giới trong thiên niên kỷ thứ hai sau khi Chúa Jesus ra đời. Sau khi nói về sự phản trắc của con người, từ bạn bè, con cái… cho đến những kẻ cộng sự hay thuộc quyền… vị luật sư nhấn mạnh:

“Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta. Nó luôn ở bên cạnh ta trong những khi phú quý cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió đông giá rét hay bão tuyết dập vùi, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, cho dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như vầng thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù… Rồi khi tấn trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng, quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì  vẫn còn bên nấm mồ của ta – chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô”.

Đó là những lời thấm đẫm nhân văn của một vị luật sư khi ca ngợi đức tính của loài chó. Nhưng tôi nghĩ chắc ngài luật sư đang nói về những con chó có chủ và chắc chắn trong cuộc đời của chúng, chúng đã được người chủ thương yêu. Và dù là loài vật, chúng vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc với lòng trung thành và lòng biết ơn vô hạn. Điều đó cũng giải thích cho tôi hiểu tại sao những người vô gia cư ở Washington, NewYork hay Paris… mà tôi thấy trên đường phố trong những chuyến công tác, trong những đêm Đông lạnh buốt ngập tràn tuyết trắng ai cũng nằm trong những chiếc thùng giấy với con chó thân yêu của mình dưới chân những tòa nhà cao ngất.

Paris, những đêm buốt giá

Còn bao nhiêu kẻ không nhà?

Thùng giấy thay chăn nệm ấm

Bên mình, chú chó ngẩn ngơ…

(Paris, ánh sáng và bóng tối – Lê Văn Truyền, 2007)

Ở nước ta, trong dân gian, khi nói về nỗi khốn cùng của một phận người hoặc khi tự than vãn về cuộc đời mình, người ta vẫn thường ví von: “khổ như chó”. Có lúc, để đáp trả cái liếm chân thể hiện lòng trung thành và tình yêu, những con chó phải chịu nhiều cú đá vô cớ khi chủ nhà đang bực bội. Nó là nơi để chủ nhà, từ trẻ em cho đến người lớn, trút những trận đòn cho hả cơn “giận cá chém thớt” mà nguyên nhân không phải do nó gây ra. Rồi đến một ngày nào đó, người ta làm thịt chúng, quay chúng vàng rộm trong lửa rơm và xào nấu chúng thành những món ăn khoái khẩu, mua vui cho mọi người trên bàn nhậu để sau đó tấm tắc bảo nhau rằng “sống trên đời không được ăn một miếng dồi chó, khi chết không nhắm được mắt!”… Thế nhưng dù sao, khi còn sống chúng vẫn may mắn là còn có chủ, có con người làm bầu bạn.

Tôi nghĩ, những con chó khốn khổ nhất trên thế gian này chắc chắn là những con chó vô chủ – những con chó hoang. Chúng chẳng có một nền đất lạnh trong góc nhà để lim dim khi mệt rũ. Chúng chẳng có chút thức ăn thừa đã ôi thiu bỏ đi dành cho chúng khi dạ dày chúng rỗng tuếch. Chúng chỉ có một mình, cô đơn, không bạn bè, bị con người săn đuổi để giết thịt (như ở nước ta và một vài nước khác). Để sống sót, chúng phải cắn xé nhau, đôi khi đến đổ máu để tranh giành thức ăn và chỗ ngủ với đồng loại, những con chó hoang khác cũng vô chủ như chúng. Và trong cuộc sống “khổ hơn chó” của những con chó hoang, chúng thiếu tình người dành cho chúng. Con chó hoang thấy cần có một ông chủ biết bao. Dù không hy vọng được ấm áp trong tình thương yêu loài vật, nó chỉ cần có một ông chủ, để thi thoảng được nghe lời quát mắng, để cảm nhận được rằng nó vẫn còn được một ai đó quan tâm, để thấy sự tồn tại trên cõi đời này của nó có ý nghĩa, để bù đắp cho sự cô đơn vô tận trong cuộc sống hoang dã của mình. Đến đây, tôi bỗng lại nhớ đến những con chó hoang ở Thủ đô Bucarest trong chuyến công tác của tôi đến România vào năm 2001, hơn 10 năm sau khi chế độ của Tổng thống Nicolae Ceausescu sụp đổ. Lúc đó nền kinh tế của România đã tụt đến tận đáy. Người dân thủ đô không còn khả năng nuôi những con thú cưng. Hàng ngàn con chó cưng của một thành phố gần 10 triệu dân bị đẩy ra khỏi nhà, lang thang kiếm ăn trên khắp các đường phố và cả dưới mạng lưới tàu điện ngầm đẹp đẽ, hiện đại vốn từng là niềm tự hào của đất nước. Một buổi tối, khi tôi đi bộ từ một ga tàu điện ngầm trên đại lộ Magheru trở về Đại Sứ Quán Việt Nam trong một con phố nhỏ yên tĩnh, một con chó bông nhỏ xíu, xơ xác, bẩn thỉu quấn lấy chân tôi để làm quen và lẫm chẫm, tội nghiệp chạy theo về đến tận cổng Tòa Đại Sứ. Tôi đành phải nhẫn tâm gạt nó ra, đóng hai cánh cửa sắt của Tòa Đại Sứ để nó đứng bên ngoài trong đêm tối lạnh lẽo, thất vọng dõi theo tôi với ánh mắt cầu khẩn… Thế cho nên, một con chó dù có bị đuổi ra khỏi nhà trở thành con chó hoang vẫn vô vọng rong ruổi, lang thang hết ngày này sang ngày khác để “chạy tìm một ông chủ” khác với niềm hy vọng cháy bỏng trong một ngày đẹp trời nào đó có một ai đó đem mình về nuôi. Để mình được có một ông chủ, để dù không được thương yêu đi nữa, nhưng có một người để có thể chạy theo sau mà sủa, dù đôi khi có thể bị một cú đá, nhưng đó cũng đã là niềm an ủi lớn vì mình đã thoát khỏi thân phận một con chó hoang vô chủ còn “khổ hơn chó” của mình.

Khúc haiku với nhận xét hết sức tinh tế và độc đáo của Vasile Smărăndescu (România) về con chó hoang giúp tôi nhận ra một khía cạnh khác đầy “nhân tính” của loài chó mà Luật sư George Graham Vest đã tổng kết trong bài phát biểu của mình. Và tự nhiên tôi tin rằng, không thể khác được, chắc chắn nhà thơ đã viết khúc haiku này trong bối cảnh của thời kỳ chuyển đổi đầy đau đớn của đất nước và xã hội România vào thập kỷ 90’ của thế kỷ trước, nơi tôi từng có một khoảng đời thanh xuân trải qua ở đó trong thập kỷ 60’.

L. V. T

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt