Đã lâu lắm rồi, có lần đang thơ thẩn như là cánh bướm thì Nhật Chiêu bất chợt nhìn thấy một viên cuội nhỏ. Thoáng trông cũng giống bao hòn cuội khác mà thôi, nhưng hốt nhiên nó cất lời rủ cậu lại gần bằng thứ ánh sáng lấp lánh lấp lánh. Cậu nhặt viên cuội lên, ôm trong lòng bàn tay bé nhỏ và cảm nhận được hơi ấm từ nó.
– Bé đưa ta đến suối L. được không?
Cậu đồng ý và thả nó vào tâm hồn mình. Viên cuội cứ rơi mãi. Nhật Chiêu cũng cứ đi mãi trên con đường Văn chương. Cho đến một ngày, ngân lên một lời ca.
Hòn cuội nghiêng dần
lên hòn cuội khác
dưới dòng suối xuân
*
Nụ hôn của núi hằn sâu
lên gương mặt nước một màu hoàng hôn
Vào buổi hoàng hôn của cuộc đời này, Nhật Chiêu tự làm mới mình và làm mới thi ca bằng thơ đôi: một hòn cuội haiku thả xuống đôi dòng lục bát dư ba. Ta biết rằng hai thể thơ này có thể xem như đối ngẫu của nhau. Trong khi haiku cô đọng, có độ tụ và sức xuyên phá làm hiển lộ thực tại, thì lục bát lại chuyên chở duyên tình và có tính sóng, xâu chuỗi các câu thơ bằng vần điệu. Haiku thường viết về bản chất của sự vật, còn lục bát hát lên tình cảm con người. Nhưng cả sự vật lẫn con người đều hiện ra trên cái nền thiên nhiên, và chính thiên nhiên là một trong những yếu tố chủ đạo để hai thể thơ này gặp nhau. Ở thơ đôi, khúc haiku đượm tình hơn, còn hai câu lục bát sâu triết hơn.
Trong bài thơ trên, ba câu đầu tự chúng làm nên một khúc haiku hoàn chỉnh. Hình ảnh những hòn cuội nằm dưới lòng nước hẳn ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần bắt gặp, nhưng sợi dây rung cảm kết nối hình ảnh đó với tâm hồn thì chỉ con mắt thơ mới nhìn ra. Nói cách khác, đó là cái nhìn hai chiều, đi và về, phản chiếu tự tính người và tự tính của hòn cuội, tạo thành một tổng thể hoà điệu. Hòn cuội lăn mãi, lăn mãi, rồi ngày kia dừng lại, bên cạnh những hòn cuội khác dưới lòng suối; còn con người cứ yêu nhau và rồi chết đi giữa những mùa xuân. Khi tục nhãn đã chuyển hoá thành diệu nhãn, cùng với sức mạnh của ngôn từ, khúc haiku mở ra cùng lúc nhiều không gian. Không gian của thực tại tri giác, không gian sắc dục và cả không gian của sự chết. Thế nhưng tất cả vẫn chỉ là một mà thôi.
Và diệu nhãn thì tự do, nó nhìn vào cái nhỏ bé, nó cũng nhìn cả những gì hùng vĩ bao la. Đứng trước những điều to lớn, con người thường tự rơi vào cái bẫy của chính mình mà choáng ngợp, quên mất rằng tâm hồn thì dung chứa vô biên. Nên những vần thơ xuất thần như của Hitomaro mới hiếm thay: “Núi đồi ơi, cúi xuống/ cho ta nhìn người thương!”[1]. Và bạn đã bao giờ nghe nói về “nụ hôn của núi”? Tôi thì chưa. Những từ ấy rung lên vì chúng truyền tải một sự thật thẩm mỹ lần đầu hé lộ. Hai câu lục bát được đan kết tài tình và tự nhiên đến mức như thể là bóng ảnh của ba câu thơ trên. Hòn cuội kết nối với núi, dòng suối với gương mặt của nước, sắc xuân với hoàng hôn, cái nghiêng của sỏi đá với nụ hôn hằn sâu của bóng núi. Đó không đơn thuần chỉ là những gắn kết mang tính cơ giới, mà thực chất là trạng thái rung động trong tình yêu của thiên nhiên. Nhật Chiêu nhìn ra thơ và cả bóng ảnh thơ. Đó là nhìn thấy linh hồn của thơ.
Ta đến với những ngọn đồi khác nhé:
Bóng em ngân dài
linh hồn đồi núi
mang đầy bờ vai
*
Bước lần theo dấu hoa trôi
suối khe em đẹp lũng đồi em xinh
Thơ ca của Nhật Chiêu có khả năng đi lại tự do giữa những chiều kích: bên ngoài vào bên trong, thiên nhiên sang con người, dẫn đạo về thế tục, hoà chết vào sống. Nếu chỉ bằng trải nghiệm hay sức tưởng tượng cộng với khả năng ngôn từ, tôi chắc là không đủ để những vần thơ như vậy hiện thành. Thơ ông là chính con người ông: Nhật Chiêu yêu thiên nhiên, yêu sự giác ngộ, yêu người nữ và yêu thơ ca. Sắc tình, ở nghĩa rộng sáng và sâu sắc nhất của từ này, là yếu tố chủ đạo thứ hai làm nên thơ đôi. Bài thơ trên như vế còn lại của quan niệm thẩm mỹ xứ Phù Tang – thiên nhiên mang tính nữ. Khi đọc nó, tôi không khỏi liên tưởng đến “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong Bát Nhã Tâm Kinh. Mà quả thật, bài thơ là một ẩn kinh về cái đẹp của người nữ vậy.
Còn bài dưới đây, theo một cách đọc, thì là “vô tự thị chân kinh” chứ đâu:
Vốc nước đầy
em hay trăng đậu
xuống lòng bàn tay
*
Lòng bàn tay giấu em vào
mở ra em hoá đồi cao suối đầy
Là được hay mất? Mê đắm hay giải thoát? Bài thơ chỉ dừng lại ở thời khắc chứng ngộ, và thời khắc ấy là vĩnh cửu. Khi còn vướng vào những thái cực giả định, ta sẽ còn gặp muôn vàn những mâu thuẫn. Nhưng giống như hai mặt trái phải, cả con mắt lẫn trái tim ta đều đồng thời mang tính sở đắc và vô sở đắc. Trong một ngày xanh bao la, con chim tự do bay:
Ôi cánh chim
hãy rời xa hồ mộng
nhìn xuống chi bóng mình
*
À chim à chim à chim
bay cao là để xuống bình nguyên chơi
Hay như cánh hoa tự do rơi:
Cánh hoa rơi
thảnh thơi mơ thấy
mình đang ra đời
*
Nam mô Bụt nam mô em
nam mô nắng thả lên thềm lung linh
Và ta vô thường tự do:
Trong suốt lung linh
ôi giọt sương sáng
tan trong vô hình
*
Mắt người rực ánh kim cương
trăm năm khắc dấu vô thường lên ta
Đinh Trần Phương