Hoa bên bàn tiệc- Lê Văn Truyền

alt

alt

Tiệc tan

sót lại trên bàn

bông hoa rũ cánh

Vân Đình

Trong giới quý tộc ngày xưa và trong xã hội phát triển ngày nay, ăn uống không còn đơn thuần là nhu cầu cơ bản để bảo đảm sự sinh tồn, là một trong “tứ khoái” bản năng của con người, mà đã được nâng lên thành nghệ thuật: nghệ thuật ẩm thực. Người ta không chỉ ăn, uống mà nhu cầu tiêu hóa phải đi kèm với nhu cầu nghe (nhạc), nhìn (ngắm hoa) và thưởng thức mùi (khứu giác), vị (vị giác). Nhân danh nghệ thuật, các nhà kinh doanh ẩm thực đã nghĩ ra không biết bao nhiêu tuyệt chiêu để lôi kéo các “thượng đế” đến với nhà hàng của mình không chỉ đơn giản để ăn, uống mà còn để thỏa mãn tất cả các giác quan trời ban cho con người.

Bàn tiệc đương nhiên phải có hoa để thõa mãn thị giác và kích thích vị giác. Các nghệ nhân ẩm thực sắp xếp, trang trí món ăn như những đóa hoa, thậm chí trên đĩa thức ăn còn điểm xuyết những bông hoa thật. Và ở một vài nước Phương Đông, người ta còn nghĩ ra một độc chiêu vô tiền khoáng hậu: bầy biện thức ăn không phải trên bàn tiệc đầy hoa mà trên cả một “tòa thiên nhiên” nõn nà với những bông hoa đặt trên các bộ phận nhậy cảm nhất. Việt Nam ta cũng tỏ ra không kém cạnh, thậm chí còn nổi trội hơn người trong thời đại “hiện đại hóa” và “hội nhập” này. Trong các nhà hàng ở nước ta hiện nay, bên cạnh trang trí các bình hoa, các ông chủ còn tuyển dụng các “bông hoa di động” để phục vụ đám thực khách trọc phú mới nổi nhiều tiền, lắm của.

Rõ ràng, dù chi trả bao nhiêu tiền, dù hoa đẹp đến đâu, thực khách cũng không bao giờ ăn những đóa hoa. Vì vậy, khi tiệc tàn, những bông hoa héo rũ bên những đĩa thức ăn ê hề, vương vãi còn lại. Và, những “bông hoa di động” đáng thương của chúng ta cũng héo rũ không kém sau những trò rững mỡ điên khùng của đám thực khách đã chi bạo cho những cuộc truy hoan. Thông qua hình ảnh những “bông hoa rũ cánh” còn sót lại trên bàn tiệc, khúc haiku của Vân Đình thể hiện một cái nhìn đầy cảm thán đối với bao nhiêu số phận “em gái nhà hàng”, những “bông hoa di động” đáng thương trong xã hội ngày nay của chúng ta.

Lê Văn Truyền

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt