Hành trình đưa Thơ Haiku Việt đến Nhật Bản- Nguyễn Vũ Quỳnh Như

alt

Vào đầu mùa thu 2015, thơ haiku Việt đã được cất tiếng tại thủ đô Tokyo Nhật Bản. Một Đại hội  thơ haiku quốc tế với sự tham dự của nhiều nhà thơ và chuyên gia thơ haiku trên thế giới đã được Hiệp hội thơ haiku Thế giới (WHA) tổ chức long trọng tại trường Đại học Meiji, Tokyo từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9 năm 2015. Đến tham dự Hội nghị, từ Việt Nam có sự hiện diện của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ haiku Việt tại Hà Nội, nhà thơ Lê Thị Bình – Phó Chủ nhiệm CLB và TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như – chuyên gia nghiên cứu thơ haiku tại Kyoto. Tham luận về thơ haiku Việt cùng những bài thơ haiku Việt vang lên tại Đại hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự. Chi tiết về tham luận đã được đăng trên Kỷ yếu của Đại hội và trên Nội san của CLB haiku Hà Nội 2016. Khởi đầu tiếng nói thơ haiku Việt tại Nhật Bản đã được bắt đầu từ đây.

alt

Sau kỳ Đại hội đó, với tư cách là một nghiên cứu viên của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản (Kyoto), trở lại Nhật Bản, song song với việc đi đến các thư viện, bảo tàng, di tích, đài tưởng niệm, bia đá thơ của các thi sĩ haiku Nhật Bản nổi tiếng, tham gia sinh hoạt tại các Hội thơ haiku Nhật Bản, TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như đã đưa thơ haiku Việt đến với Nhật Bản một cách rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn.

Ngày 15/11/2015, các tập san thơ haiku Việt, cuộc thi thơ haiku Việt – Nhật tại Việt Nam đã được giới thiệu tại Bảo tàng thơ Haiku. Tại đây những dòng thơ haiku Việt đã khiến các vị trong Hiệp hội giao lưu quốc tế thơ haiku (HIA) không khỏi ngỡ ngàng và thích thú trước sự tương đồng và khác biệt về thơ haiku Việt và thơ haiku Nhật. Còn nhiều nhiều những trao đổi qua lại giữa các chuyên gia thơ haiku Nhật và nhà nghiên cứu thơ haiku Việt mới đặt chân đến Kyoto không lâu đã làm cho hai bên quyết định tiếp tục đeo đuổi hành trình cùng tìm hiểu về thể thơ haiku của nhau. Buổi gặp gỡ với Hiệp hội sau đó đã được đăng trên báo Văn học Haiku ngày 5/1/2016.

Chiều cùng ngày, một Hội nghị thơ haiku quốc tế đã diễn ra tại Viện nghiên cứu văn học quốc gia tại Tokyo. Tại đây, Chủ tịch Hiệp hội thơ haiku của Mỹ, nhà nghiên cứu thơ haiku tại Đài Loan và các học giả Nhật Bản đã cùng trao đổi về sự phổ biến thơ haiku trên toàn cầu. Nhân dịp này, sự có mặt của đại diện thơ haiku Việt đã gây ngạc nhiên vì ít ai dám nghĩ rằng thơ haiku lại có sức hút mạnh mẽ đến cộng đồng yêu thơ như thế tại Việt Nam.

Một tháng sau đó, vào ngày 12/12/2015, tham luận thơ haiku Việt “To Vietnamese people: What is the haiku poem?” [Với người Việt: thơ Haiku là gì?] được mời báo cáo bằng tiếng Anh tại Hội nghị quốc tế Nghiên cứu Nhật Bản, tổ chức tại Đại học Toyo – Tokyo. Hãnh diện biết bao khi thơ haiku Việt ngày càng nhận được sự quan tâm của các học giả văn học và chuyên gia thơ haiku tại Nhật và trên thế giới.

Tiếp tục hành trình đưa thơ haiku Việt “trở về thăm quê”, các buổi thăm viếng, qua lại các Hội thơ haiku nhằm học hỏi cách thức sinh hoạt hội thơ haiku, phong cách sáng tác thơ haiku, cách tuyển chọn, bình thơ haiku được thực hiện ngày càng dày đặc hơn. Đến sinh hoạt tại nhiều hội thơ, từ hội thơ haiku truyền thống đến thơ haiku hiện đại, mỗi nơi là một phong cách khác nhau, đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau, mới nhận thấy sự khác biệt rõ nét trong cách thức và ý nghĩa hoạt động của Hội thơ Nhật Bản so với cách thức của Hội thơ Việt Nam. Nhất là Hội thơ haiku theo cách thức của Nhật (được gọi là Kukai) luôn được duy trì tính hoạt động truyền thống suốt mấy trăm năm nay từ khi mới được ra đời, chỉ khác chăng là mở rộng đối tượng tham dự, với sự tham gia của nhiều nhà thơ haiku mang nhiều quốc tịch khác nhau.

Dần dần thơ haiku Việt được lan truyền rộng rãi và mạnh mẽ hơn tại Nhật Bản. Ngày 7/4/2016, thơ haiku Việt một lần nữa được báo cáo bằng tiếng Anh tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản tại Kyoto. Tuy số người tham dự bị hạn chế vì chỉ dành cho đối tượng là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhưng thơ haiku Việt đã đánh thức các học giả về một vấn đề thực tế là tại Việt Nam có thể loại thơ haiku được sáng tác bằng chính ngôn ngữ bản địa đang được lan truyền rộng rãi.

Khoảng 2 tháng sau, vào ngày 14//6/2016, bài báo cáo bằng tiếng Nhật “Thơ haiku – Cũ mà mới, từ cái nhìn của sự thẩm thấu văn hóa Nhật Bản đến thế giới quan thơ haiku Việt” trước các nhà nghiên cứu và người dân Kyoto dài hơn một tiếng đồng hồ đã lôi cuốn sự chú ý, quan tâm của gần 150 người tham dự. Đặc biệt, đến với buổi báo cáo, có sự hiện diện của các nhà báo, tạp chí thơ haiku Nhật Bản. Sau buổi, tờ báo Yomiuri – một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản, đã có bài viết liên quan về thơ haiku Việt. Trong đó, nhà báo đã viết: “Qua bài báo cáo, dưới con mắt của người nước ngoài, Nguyễn Vũ Quỳnh Như – từng công tác tại Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh đến Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản vào mùa thu năm ngoái, đã cho biết thơ haiku đang được yêu thích tại 70 quốc gia. Tuy khác biệt về văn hóa và phong thổ, tại Việt Nam, thơ haiku đang được lan rộng với nhiều đề tài phù hợp với bản sắc của quốc gia có nền nông nghiệp và mưa nhiều. Với quan điểm của người nước ngoài, Nguyễn Vũ Quỳnh Như đã biết cách đánh giá văn hóa Nhật Bản và đưa ra những gợi ý lý thú về nghiên cứu Nhật Bản” (Báo Yomiuri, ngày 10/07/2016).

Ngay sau đó, tờ báo Asahi, tờ báo Hokkaido – là các tờ báo lớn của Nhật Bản đã đưa ra đề nghị viết bài về thơ haiku Việt. Các bài viết về thơ haiku Việt đã được đăng lần lượt vào ngày 01/8/2016 (“Thơ haiku Việt ngày nay, trang 11 báo Asahi), ngày 04/08/2016 (“Thơ haiku tiếng Việt – sự biến thể độc đáo của 5-7-5, trang Văn hóa Báo Hokkaido), chứng tỏ dù là trong thời gian đầu mới chạm ngõ Nhật Bản, thơ haiku Việt đã được “quảng bá” rộng rãi, hiệu quả và thu hút sự quan tâm đông đảo bạn đọc và giới chuyên gia. Dù các tờ báo hàng ngày, tờ báo haiku chuyên môn, các buổi nói chuyện về thơ haiku Việt đã liên tục được thực hiện tiếp đó tại các trường Đại học của Nhật Bản, các Hội thơ haiku, nhưng sự quan tâm đến thơ haiku Việt không vì thế mà lắng lại. Hiệp hội quốc tế Giao lưu thơ haiku đã chính thức mời TS. Quỳnh Như một lần nữa quay lại Nhật vào đầu tháng 12/2016 sắp tới để trao đổi, thuyết trình về thơ haiku. Bên cạnh đó, tạp chí thơ haiku “Soju” vừa mới “đặt hàng” một bài viết về thơ haiku và hứa hẹn sẽ đăng trong năm 2017. Thơ haiku Việt đã thật sự nở rộ trên ngay chính quê hương của nó. Thật hãnh diện và tự hào biết bao.

Mối ưu tâm đến thơ haiku Việt

Qua biết bao buổi nói chuyện, báo cáo, các bài viết về thơ haiku Việt, các chuyên gia – nhà thơ haiku, học giả Nhật Bản đã quan tâm gì đến thơ haiku Việt?

Thắc mắc đầu tiên bao giờ cũng là thể thơ haiku Việt như thế nào? Cũng như đối với các ngôn ngữ nước ngoài khác, thơ haiku khi chuyển ngữ hoặc khi được sáng tác bằng tiếng Việt –ngôn ngữ “phi Nhật Bản” – thì sự quan tâm lớn nhất đặt ở chỗ có tuân theo “thể thơ haiku truyền thống 5-7-5” hay không. Chấp nhận hay không chấp nhận sự đổi mới không còn là vấn đề cần phải quá tranh cãi về thơ haiku mang tính quốc tế trong thời đại ngày nay, nhưng không vì thế mà chấp nhận một cách dễ dãi.

Sau đó là thơ haiku Việt có kigo (quý ngữ) không? Trong bối cảnh mà thơ haiku đang ngày càng được cho là “quốc tế và hiện đại”, thì câu hỏi và mối ưu tâm lớn nhất dành cho thơ haiku vẫn là “có hay không và nên hay không nên” xây dựng cho thơ haiku Việt một giá trị thực sự: “kigo Việt”. Hãy nhìn nhận đúng giá trị của kigo trong thơ haiku, hãy đưa kigo về đúng vị trí của nó. Hãy để thơ haiku như đúng là bản chất của nó. Chưa hẳn “những dòng thơ ngắn có nói về thiên nhiên đã có thể gọi là thơ haiku”. Quả thật thơ haiku chẳng hề dễ chút nào!

Sự ra đời của các Câu lạc bộ thơ haiku Việt, các cuộc thi thơ haiku từng được tổ chức tại Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao vì đã góp phần đưa thơ haiku phổ biến rộng rãi. Tại Nhật Bản cũng vậy, đâu đâu cũng có thể tìm thấy Hội thơ haiku. Nhiều cuộc thi thơ haiku toàn quốc, địa phương, các cuộc thi bình chọn thơ haiku dành cho nhiều đối tượng luôn được diễn ra thường xuyên và nhận được sự tham gia tích cực của giới yêu thích thơ haiku dù chuyên nghiệp hoặc không chuyên. Sự tham gia vào các hội thi thơ haiku còn là cơ hội thể hiện được “đẳng cấp có giá trị” được công chúng thừa nhận.

Một mơ ước rằng, cuộc thi thơ haiku Việt sau này (nếu được tiếp tục) cũng như cách thức sinh hoạt Câu lạc bộ thơ haiku Việt sẽ được tổ chức tương tự như cách mà Nhật Bản đang làm. Và quan trọng hơn hết là làm sao để thơ haiku Việt phát triển bền vững trong bối cảnh “Tỏa lan và Hội nhập” quốc tế.

NVQN

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt