Giới thiệu Nhà thơ Haiku Đinh Nhật Hạnh- Chủ tịch CLB Haiku Việt

alt

Nhà ông ở trên con phố mang tên người anh hùng trẻ tuổi Kim Đồng, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hầu như ngày nào ông cũng có khách đến thăm. Phần lớn khách của ông là các nhà thơ đủ mọi lứa tuổi.

alt

Nhà thơ Haiku Đinh Nhật Hạnh- Đại diện Hiệp hội Haiku Thế giới WHA

Họ thường đến để trao đổi, bàn luận về ngôn ngữ, về thơ ca. Có người nhờ ông đọc và góp ý cho bản thảo cuốn sách sắp xuất bản, có người chỉ đơn giản là vừa nghĩ ra tứ thơ mới, đến để chia sẻ cùng ông. Khi chủ và khách đã vào chuyện rôm rả thì chẳng ai mảy may bận tâm đến tuổi tác, đến những đua chen của mánh lới mưu sinh. Tôi cũng đã có vài dịp hầu chuyện ông, rồi mải mê tranh luận mà quên mất giờ đón con ở trường. Ông là nhà thơ Đinh Nhật Hạnh.

Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh sinh năm Thìn (1928) quê gốc Đô Lương – Nghệ An, cái nôi của dân ca Ví Dặm. Thời trai trẻ, ông từng là lính Vệ Quốc đoàn. Sau ông theo học ngành y, rồi làm bác sỹ trong nhiều năm, từng bôn ba chữa bệnh tại những làng mạc hẻo lánh tận châu Phi. Ở địa vị ông, người khác có thể mở phòng mạch hay thậm chí mở bệnh viện tư cũng dễ dàng trở thành tỷ phú như chơi. Thế nhưng, nàng thơ đã ám vào ông từ rất sớm, mà ông thì không có cách nào dứt ra được. Những điệu hò Ví Dặm trữ tình, những lời ru đằm thắm nơi miền quê có con sông Lam thơ mộng đã ngấm vào máu, dẫn dắt ông đến với nàng thơ. Vần thương như sóng nước/ Nâng thuyền thơ lênh đênh/ Thơ say như mắt biếc/ Xao xuyến đêm bồng bềnh/ Tứ thơ mây ngũ sắc/ Trong mơ huyền lung linh/ Nghiệp thơ như tiền định/ Tháng, năm quyện bóng hình (Thơ như tiền định).

Ông có những câu lục bát chỉ đọc một lần là nhớ mãi: Người xuôi Tam Cốc xuống thuyền/ Ta về Bích Động chiều nghiêng một mình/ Trách chi vạt nắng vô tình/ Niềm riêng gửi đám lục bình về theo (Bâng quơ).

Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã xuất bản các tập thơ: Vườn hương, Quần trăng, Bụi thời gian và có thơ in chung trong một số tuyển tập. Thơ ông, dù có viết về cỏ cây hoa lá hay con đò bến nước sân đình thì đều phảng phất những suy tư, trăn trở của kiếp người: Một khóm mai vàng rực cuối thu/ Trời như hừng sáng, ấm sương mù/ Người về chốn cũ mang bao nắng/ Hoa thể tình ai nở trái mùa…(Mai)

Hơn chục năm về trước, cũng một sự tình cờ, ông đọc được mấy bài thơ Haikư của Basho và Buson qua bản dịch của ai đó. Ông vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước một thể thơ cực ngắn nhưng hàm chứa trong nó những ý tứ sâu xa. Thế rồi, ông lao vào tìm hiểu nguồn gốc và nghệ thuật thi pháp của Haikư. Ông tìm đọc thơ Haikư qua các bản tiếng Pháp và tiếng Anh. Không dừng ở đó, ông tập hợp những người yêu Haikư ở Hà Nội và thành lập Câu lạc bộ Haikư – Việt nhằm nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác và giới thiệu dòng thơ cực ngắn này đến công chúng.

Những hoạt động tích cực của Câu lạc bộ Haikư – Việt do ông làm chủ nhiệm đã khiến cho nhà thơ Masayuki Inui (bút danh Ban­­ya Natsuishi) – người sáng lập Hiệp hội Haikư thế giới WHA (World Haiku Association) trong một lần đến Việt Nam chú ý. Sau Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ I (năm 2012), một số hội viên tiêu biểu của Câu lạc bộ được kết nạp vào WHA, trong đó có ông. Câu lạc bộ Haikư – Việt cũng là thành viên tích cực của Hội hữu nghị Việt – Nhật thành phố Hà Nội. Tháng 9/2014 Câu lạc bộ Haikư – Việt đã tổ chức thành công cuộc tọa đàm thơ với chủ đề “Tâm hồn Việt trong thơ Haikư” với sự tham gia của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả trong và ngoài nước.

alt

Báo “Cờ Đỏ AKAHATA” của Đảng Cộng sản Nhật Bản giới thiệu về nhà thơ Đinh Nhật Hạnh

Mười năm bén duyên với Haikư, nhà thơ Đinh Nhật Hạnh đã cùng Ts Đinh Trần Phương và các dịch giả khác chuyển ngữ hàng ngàn bài thơ Haikư của các nhà thơ Nhật Bản sang tiếng Việt. Không chỉ có vậy, ông còn sáng tác nhiều bài Haikư bằng ngôn ngữ Việt (gọi là Haikư – Việt), một số bài được dịch và in trong tạp chí WHA. Tháng 6 năm 2014, tập thơ Haikư đầu tiên của ông có tên là Trăng bùa, in bằng bốn ngôn ngữ (Việt, Nhật, Anh, Pháp) tập hợp 145 bài thơ Haikư tiêu biểu mà ông sáng tác trong thời gian gần đây đã ra mắt bạn đọc xa gần. Tôi chưa kịp chúc mừng ông về tập thơ mới in thì ông lại có tin vui mới: Ông vừa nhận được giấy mời chính thức tham gia Đại hội Haikư Thế giới lần thứ 8, tổ chức tại Đại học Meiji – Tokyo vào tháng 9/2015. Cùng nhận giấy mời sang Nhật với ông là nhà thơ, dịch giả Lê Thị Bình. Ông tâm sự: nhận giấy mời mà mừng ít lo nhiều. Cái lo thứ nhất là việc chuẩn bị tham luận trình trước Đại hội, gì thì cũng là “mang chuông đi đánh xứ người”. Cái lo thứ hai là vấn đề sức khỏe cho chuyến đi đó. Ở độ tuổi gần chín mươi, đi nước ngoài với công việc đâu phải chuyến dạo chơi du lịch!

Khi tiễn tôi ra cửa, bất ngờ một chiếc lá bàng khẽ khàng rơi xuống trước mặt. Ông cúi xuống, nhặt chiếc lá và nâng niu nó trên tay; và một tứ thơ Haikư bất chợt:

Lửa bàng

xanh hết mình

cuối mùa rơi ấm phố.

Vâng, tôi gọi ông là “ông trùm” thơ Haikư Việt!

Nguyễn Duy Quang

Xin giới thiệu một số bài thơ Haikư của nhà thơ Đinh Nhật Hạnh

Một bóng hoa đào
thắp bừng ngõ nhỏ
ấm chiều ba mươi.

Đôi sẻ mùa yêu
nhấp nha
nhấp nhổm.

Nụ đào tủm tỉm
Bướm ơi
gượm nào!

Vành khuyên
bay chi vào phố
bẫy đời dăng dăng.

Chiều sương
mõ trâu về
lốc cốc đường thôn.

Đã như chim chích
ngày càng
bé hơn.

Rừng mơ trước mặt
khát
đến bao giờ.

Thăm thẳm chín tầng mây
bão dông
tầng thấp nhất.

Bến xưa
con đò vẫn đợi
mòn trăng.

Sương sa
bụi đời trăm ngả
liệu còn giọt trong.

ĐNH

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt