Giới thiệu cuốn sách Haiku xứ Huế “Thắp đuốc bên dòng Hương”- Lê Văn Truyền

Năm 1992, cách đây non ba thập kỷ, là một người con xứ Huế lần đầu tiên trong đời được thăm Cố đô Kyoto (Nhật Bản), tôi ngỡ ngàng nhận thấy sự tương đồng đến kỳ lạ giữa Cố đô Kyoto 1.000 năm lịch sử và Cố đô Huế gần 200 năm tồn tại, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.  Cả hai Cố đô đều đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cũng cung điện đền đài lăng tẩm tôn nghiêm, cũng chùa chiền miếu mạo cổ kính trầm mặc, cũng những vườn xưa xanh mát tĩnh lặng mang đậm dấu Thiền và dấu thời gian, cũng những con người với tâm hồn trầm lắng, nhẹ nhàng, uyển chuyển, lung linh như những đóa anh đào, hoàng mai trong nắng sớm…

Khi nêu lên những đặc trưng của thể Haiku cổ điển – thể thơ ngắn độc đáo của dân tộc Nhật Bản – nhiều nhà nghiên cứu văn thơ đã thống nhất nhận định: Thơ Haiku hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc, gần gũi, tinh thần từ ái và lạc quan của Phật giáo Thiền tông. Và nếu nhấn mạnh đến những cảm thức đặc trưng của thể thơ haiku là: bi cảm (aware), giản đạm (wabi), tịch tĩnh (sabi), tinh tế (hosomi), phong nhã (fuga), u huyền (yugen), dư vị (shiori) … thì tôi trộm nghĩ có lẽ hiếm có nơi nào ngoài hai địa danh nói trên của Nhật Bản và Việt Nam mà ở đó tâm hồn con người có thể hội tụ đến tối đa những cảm thức đặc trưng ấy của thơ Haiku. Thiển nghĩ, phải chăng phong cảnh hữu tình, chất Thiền bàng bạc tỏa lan theo tiếng chuông của gần 400 ngôi chùa và tâm hồn của những con người hiền hòa, chân chất xứ Huế là mảnh đất lành để những cánh “bồ công anh haiku” theo làn gió “hội nhập” lan tỏa đến, bắt rễ, đơm chồi và khai hoa trên vùng đất Cố đô.

Chẳng thế mà, chỉ gần một năm sau cuộc “Hội Ngộ Haiku Cố Đô 2019”, cuộc gặp gỡ đầu tiên nhưng thật thân tình giữa gần ba mươi haijin trên mọi miền đất nước với các bạn thơ xứ Huế, các haijin trong nước đã được đón nhận tập thơ haiku“Khơi nguồn”. Và lần này, trong tay chúng ta là tập thơ haiku tiếp theo “Thắp đuốc bên dòng Hương” của các haijin xứ Huế.

Xin hãy lướt qua một vài phiến khúc của những bạn thơ lần đầu tiên chạm ngõ haiku.

Lớn lên trên mảnh đất quê hương, nhiều khi chúng ta thường thấy cảnh sắc thiên nhiên quá quen thuộc. Nhưng chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới bắt được những khoảnh khắc lạ thường, mới thấy được nguyên lý vô thường ngay trong cảnh sắc thiên nhiên nơi mình gắn bó:

Bình minh lạ thường

sương mai lóng lánh

ánh vàng muôn nơi

Hồng Ngọc

Thật tinh tế khi thấy chiếc lá rơi nhắc ta mùa Thu đang đến trong cuộc bộn bề mưu sinh thường nhật:

Lá rơi

giật mình

mùa thu

Võ Phương Anh Lợi

Mặc dù Cố đô Huế được coi là một trong những thành phố thơ mộng bậc nhất, là “bài thơ đô thị tuyệt tác” (Un chef-d’oevre de poésie urbaine) như Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận định, nhưng cũng như những vùng đất khác trên dải đất miền Trung yêu dấu của đất nước, khí hậu khắc nghiệt đã nhiều lần thử thách cuộc mưu sinh . Dù vậy, bất chấp tất cả, con người nơi đây vẫn giữ được niềm yêu cuộc sống.

Dù cho sấm chớp

đôi khuyên ríu rít

trên cành cây cao

Lài Linh Chi

Và tình người thủy chung, chân chất:

Dấu chân trên cỏ

vẫn còn sương ướt

xin chào cố tri

Xuân Đài

Chính cảnh sắc và tình người nơi đây, chứ không phải là những khách sạn dát vàng, những “Resort Spa” sang trọng, những quán “Bar” sặc mùi rượu mạnh, nước hoa và da thịt…, mới là sức quyến rũ và lưu luyến lữ khách:

Áo dài qua Huế

lữ khách mơ màng

thương em chiều Vĩ Dạ

Hương Giang

Và cả giọng nói hơi “lạ” cùng với những “dạ”,“thưa” dịu ngọt, êm ái, nhẹ nhàng:

Ngơ ngẩn lạ chưa

thưa không

giọng Huế!

Hoàng Lộc

… Vâng, thiển nghĩ một khi thơ haiku đã được khơi dòng trên đất Cố đô Huế, thì không có lý do gì mà haiku Việt – bắt nguồn từ haiku Nhật Bản – lại không rực sáng lên bên dòng Hương Giang thơ mộng, dòng sông đã được Thánh Quát* nhắc đến trong bài thơ “Hiểu quá Hương Giang” Buổi sáng qua sông Hương) bằng một câu thơ bất hủ:“Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng trời xanh).

… Vâng, tôi thì tôi tin rằng Hương Giang -“Dòng sông ai đã đặt tên?”**- sẽ mãi mãi là nguồn thi hứng bất tận không riêng gì cho các haijin xứ Huế mà cho cả các haijin Việt chúng ta.  Và … biết đâu cho cả các haijin xứ Phù Tang, nơi mấy trăm năm trước đã khai sinh ra thể thơ cực ngắn đặc sắc này của Nhật Bản.

LVT

*Cao Bá Quát

**Dòng sông ai đã đặt tên: Nhan đề bút ký về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn nổi tiếng đất Huế

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt