Đôi giày đi vào lòng người của Haijin Đinh Nhật Hạnh

Những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh bão lụt được cập nhật từ miền Trung. Bên cạnh những đau thương chúng ta còn thấy được tình người. Những nhà hảo tâm, những chuyến cứu trợ ở khắp mọi miền đã mang vật chất và cả tinh thần đến miền Trung để bù đắp những bất hạnh cho bà con. Tôi định viết một cái gì đó, không phải để bù đắp mà để cho lòng mình khỏi cắn rứt, khỏi phải bị lương tâm kết án là thờ ơ, vô cảm. Nhưng khi cầm bút, trong đầu tôi hiện lên đôi giày. Đôi giày của Haijin Đinh Nhật Hạnh.

1
Trôi
chiếc giày mồ côi
gọi mẹ

2
Khều đống đổ nát tìm con
được
chiếc giày nguyên vẹn                    

Một chiếc giày dưới nước, một chiếc giày trên bờ, cả hai chiếc giày đều là của trẻ con. Tôi đặt mình vào vị trí của người bắt gặp những chiếc giày ấy, rồi im lặng xót xa. Những khúc haiku không cần nhắc đến nước mắt nhưng gợi được nước mắt, không cần nói về đau thương nhưng gợi được đau thương, không cần nói về mất mát và chết chóc nhưng gợi được bão giông và điêu tàn ở giữa lòng người. Và trong bất chợt tôi nghĩ, thơ chỉ cần như vậy.

Tôi nghĩ đôi giày này không chỉ đi xa vạn dặm, mà còn đi cả vào vạn lòng người. Thiên tai hay nhân họa, bất cứ là lý do gì thì loài người đều nhỏ bé. Nếu nói bằng phát ngôn của ai đó, cho dù “loài người là loài độc ác nhất” thì trẻ con là những con người lương thiện và đáng thương nhất. Chúng phải trả giá thay cho người lớn bởi những điều không do chúng tạo ra. Chúng là những thiên thần, là mục đích sống và là nguồn sống của cha mẹ chúng. Trong hai bài thơ này ta tưởng tượng được những câu chuyện tử biệt khi người lớn phải đi tìm trẻ nhỏ trong nước lũ, trong đống đổ nát. Mặc dù tác giả nói tránh, nói né nhưng những khung cảnh đau thương vẫn hiện lên chân thật trong đầu tôi.

Chiếc giày dưới nước dùng nhạc tính và nhân hóa trong khi chiếc giày trên bờ dùng biện pháp đối lập, cả hai đều thành công nhờ dùng hình ảnh hoán dụ giữa chiếc giày và đứa bé, ngoài ra tác giả còn hoán đổi cảm xúc, cảm giác của người đọc, biến người đọc thành người trong cuộc, thành người mẹ đang tìm con để đánh thẳng vào lòng người. Trong hai trường hợp này thơ là hành trình từ tim đến tim.

Lâm Long Hồ

 

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt