Điều cốt tử của thơ- Nguyễn Thánh Ngã

alt

alt

ngôi nhà cũ

người bỏ đi

nhện giăng tơ khung cửa

(Lê Văn Truyền)

Từ thuở “ăn lông ở lỗ”, con người đã coi trọng nơi cư trú của mình. Nơi cư trú là nơi ta được sinh ra và lớn lên, cất tiếng khóc chào đời. Tất cả đã trở thành những kỷ niệm thân yêu nhất. Ngôi nhà cũ trong bài haiku trên đây, chính là nơi cất giữ những kỷ niệm của tác giả.

Cuộc sống tự nó là một vòng quay, từ mới đến cũ. Và cứ thế, cho đến ngày “người bỏ đi”. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã nêu bật tính vô thường của cuộc sống, không có gì là mãi mãi, không có gì là tồn tại, bất biến. Nhưng nếu như thế thôi, cũng không có gì mới mẻ, vì nó là quy luật tất yếu, vốn xảy ra không ngừng trong dòng chảy bất tận của vũ trụ mà thôi.

Thơ haiku tạo ra trong nó khoảng trống. Và im lặng. Để cho độc giả tự thâm nhập khoảng trống. Và điều kỳ diệu đã xảy ra:“thơ gợi mở một thế giới nội tâm, một khoảng trống khủng khiếp khi “người bỏ đi”, là lúc tâm hồn ta đang thiếu vắng…

Xác thân ta chính là ngôi nhà tâm thức. Khi tâm hồn “người bỏ đi”, thì chỉ còn cái xác không hồn! Ta vong thân trong chính thân xác của ta. Đây mới là điều cốt tử của thơ. Dĩ nhiên, khi ngôi nhà không có ai chăm sóc, thì cảnh “nhện giăng tơ khung cửa” diễn ra u ám, điêu tàn; nếu không nói là nơi ma quái, rắn rết kéo nhau đến làm nơi cư trú. Lục phủ ngũ tạng ta cũng thế, bệnh tật kéo đến hành hạ, đau đớn không cùng. Ta thử tưởng tượng, một người điên sống như thế nào, thì ngôi nhà có “nhện giăng tơ khung cửa” cũng như thế ấy.

Thơ haiku nhỏ thật, nhưng chứa trong nó một năng lực phi thường. Khi được khai mở, nó sẽ như dòng nước ngầm tuôn ra tràn ngập tâm trí kẻ hữu duyên.

Vỡ lẽ, ta mới hồn nhiên kêu lên:“Ồ, thơ haiku là thế!”, là những gì được giấu kín bên trong, giúp ta tỉnh thức và thực hành.

Chăm sóc ngôi nhà của chính chúng ta, cho thân tâm được an cư, an lạc, trước khi duyên tứ đại tan vỡ. Đó là những gì mà thơ đem lại trong bài haiku tuyệt hay này…

Sài Gòn 11.2017

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt