trăng rơi xuống
con nhện
giăng tơ hứng trăng
Nguyễn Uyên Trang, 12 tuổi (lớp 7), Hà Nội
Trong ngôi nhà, ngoài gián thì nhện cũng nằm trong danh sách những loài côn trùng bị đa số chúng ta ghét bỏ. Bởi vậy mà nhện thường xuyên là nạn nhân của dép lê và thuốc diệt côn trùng. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học đã khuyên đừng bao giờ giết chết những con nhện trong nhà bạn. Mặc dù có hình hài đáng sợ, nhện là một phần quan trọng đối với hệ sinh thái khép kín trong từng gia đình và hầu hết đều là những loài nhện không nguy hiểm và thậm chí rất có ích. Bằng việc tiết một loại tơ khá chắc từ thân mình ra để giăng mạng, nhện tạo ra những cái bẫy để diệt các loài côn trùng biết bay, đặc biệt là ruồi và muỗi, những côn trùng mang vi trùng, virus và ký sinh trùng gây nhiều bệnh lây truyền nguy hiểm chết người.
Suy nghĩ của Nguyễn Uyên Trang, cô bé học sinh 12 tuổi, lớp 7A của Trường phổ thông Gateway (Hà Nội) có lẽ rất khác cách suy nghĩ của nhiều người lớn chúng ta đối với loài nhện. Trong một đêm tha thẩn trước hiên nhà, thấy một chú nhện đang miệt mài giăng tơ dưới ánh trăng, cô bé 12 tuổi bỗng phát hiện ra con vật tuy vẻ ngoài xấu xí nhưng thật đáng yêu làm sao. Chú nhện đang giăng tơ để “hứng trăng”.
Khúc haiku xuất sắc, ngắn gọn (3 / 2 / 4) chỉ gồm có 9 từ nhưng rất tinh tế, bất ngờ, đầy trí tưởng tượng hồn nhiên, phát hiện ra mối liên quan giữa hai hình ảnh tưởng chừng như không liên quan gì với nhau: mặt trăng đang lặn trên bầu trời đêm và con nhện đang cần mẫn, lặng lẽ giăng tấm mạng nhện dưới mặt đất. Bé gái Nguyễn Uyên Trang đặt hai hình ảnh cạnh nhau và qua đôi mắt trẻ thơ phát hiện ra một mối liên quan giữa hai hiện tượng độc lập mà trên thực tế không có mối liên hệ hữu cơ/tất yếu nào cả. Chỉ có trí tưởng tượng bay bổng và tâm hồn trong trắng, ngây thơ, hồn nhiên của tuổi thơ mới kết nối được hai hình ảnh độc lập ấy và lý giải được mối quan hệ một cách thật trẻ con, thật dễ thương và lãng mạn: hóa ra vì sợ mặt trăng rơi xuống đất vỡ tan nên chú nhện giăng tấm lưới tơ để hứng trăng như ta đang dang đôi bàn tay để hứng và nâng niu một quả trứng, một bông hoa đang rơi. Ôi, con nhện nhỏ nhoi, tội nghiệp (trông hơi xấu xí) nhưng thật đáng yêu, đang cuống quýt giăng tơ để cứu chị Hằng cho chúng ta trong khi trái tim của chúng ta thì dửng dưng, vô cảm. Vì ta đã quá biết rằng: “trăng lên rồi trăng lặn” là quy luật tự nhiên của đất trời!
Lê văn Truyền
Câu Lạc Bộ Haiku Việt- Hà Nội
*Một trong 38 bài haiku ưu tú được Ban Giám Khảo bình chọn trong cuộc thi sáng tác haiku trên tranh vẽ chủ đề “Sinh vật sống” năm 2017 – 2018 cho học sinh trung học phổ thông do JAL Foundation (hãng Hàng Không Nhật Bản), Đại Sứ Quán Nhật Bản, Trung Tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức.