1. HÒA ÂM
Trải qua những bước chập chửng, Haiku Việt đã đi khắp ba miền. Nhờ cố gắng của tất cả những người yêu thơ, CLB Haiku Việt Hà Nội đã nên hình nên vóc. Điều quan trọng không phải là kết nối được với tổ chức Haiku thế giới WHA, mà theo tôi, điều quan trọng là chúng ta đã tạo được một không gian hòa âm. Từ điệu hồn lục bát, tứ tuyệt ngũ ngôn, thất ngôn cho đến dềnh dàng tự do, phá cách… Tiếng Việt là tiếng đơn âm, nhưng thơ Haiku đã được bắt nhịp trong một hòa âm mới. Hòa âm cùng cung bậc đa thanh…
Người có công bắt nhịp cho những hòa âm mới, là nhà thơ Đinh Nhật Hạnh- cánh chim đầu đàn đã chao liệng trên bầu trời thơ Việt suốt mấy mươi năm. Ông đã đem sức xuân 90, lật mở kho tàng ca dao, tục ngữ, tìm những tinh hoa của cổ nhân để lại, chợt thấy thơ Haiku nằm trong đó. Dĩ nhiên, một cánh én không làm nên mùa xuân, mà cùng với nhiều cánh én tên tuổi khác, đã làm nên mùa xuân Haiku Việt. Ông viết :
Xin chao cùng cánh én
Haiku Việt
Vào xuân
(Đinh Nhật Hạnh)
Thật vậy, phải biết cái “chao” nào không làm gãy cánh; cái “chao” nào tạo nên nét đẹp dịu dàng trên đường bay để nhìn ngắm mùa xuân, nhìn ngắm thế giới. Một cú “chao” đầy hồn vía ấy, đã đẩy bài thơ bay lên một cách hồn nhiên và thấu thị.
2. LUÂN VŨ
Cùng tâm thế ấy, nhưng nhà thơ Đinh Trần Phương lại có cách nhìn khác. Đứng trên đất nước hình mũi tàu, sóng gió gập ghềnh. Thơ cũng không ngoại lệ, xã hội phát triển kinh tế đa chiều, thơ đang thời khủng hoảng, nó chấp nhận nhiều phong cách, kể cả ngoại nhập. Trong dòng chảy văn học thời này, thơ phải chấp nhận một điệu múa. Điệu múa của hội nhập. Bằng linh cảm của một Haijin, ông viết :
Ngày xuân đầu tiên
Trên trần tàu
Bảy ngón chân mặt trời nhảy múa
(Đinh Trần Phương)
Bảy ngón chân là gì? Bảy sắc cầu vồng. Và trên trần tàu Việt Nam, ngôn ngữ thơ Haiku đã và đang bắt đầu nhảy múa. Khi bất lực trước khúc ca, người ta có thể nhảy múa. Ngôn ngữ cơ thể bộc lộ. Cơ thể Haiku nhỏ nhắn, nhưng sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao. Những làn sóng ngầm chứa trong cái thân hình kiệt ngắn, đã có cơ hội bung ra. Nhưng thơ Haiku có cái duyên của một chiếc răng khểnh. Vừa múa. Vừa hát.
Vâng, đó là điệu luân vũ trong hòa ca.
3. PHONG CÁCH
Những Haijin thời nay đang khoác trên mình những bộ cánh mới. Bộ trang phục “5-7-5”, “quý ngữ”, “sabi, wabi”, “yêu thiên nhiên”, “mang tính thiền” vv… không còn đồng điệu với phong cách hội nhập. Vận hội thơ đang được mở ra với tư thế mạnh mẽ nhất. Khoác vai cuộc sống là những bộ cánh tân thời!
Chúng ta hãy nghe nhà thơ Lê Văn Truyền viết về ngôi nhà cũ, nơi mà con nhện vẫn âm thầm dệt tơ trên khung cửa:
Ngôi nhà cũ
Người bỏ đi
Nhện giăng tơ khung cửa
Không mùa của Phan Vũ Khánh:
Ghé vườn em
Mai Tứ quý
Nở không mùa
Đặc sản Việt của nhà thơ Nghiêm Xuân Đức:
Bánh đa Kế
Theo giọng kể
Giòn tiếng cười
Haijin Lương Thị Đậm với truyện Kiều:
Mẹ đọc câu Kiều
hằn sâu ký ức
tháng ngày xanh rêu
Nhà thơ Mai Văn Phấn lạ hóa thơ:
Chim sẻ mùa xuân
tắm
không cần nước
Nhà thơ Lý Viễn Giao với thế thái:
Viết không nên chữ
Nói chẳng thành lời
Gieo quẻ dạy đời
Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh với nhân tình:
Đã như chim chích
ngày càng
bé hơn
Nhà thơ Dương Phương Toại đậm chất ẩn dụ trong cõi vô thường:
Đạp đất mà đứng lên
Cứ ngỡ bầu trời an nhiên lắm
Đâu ngờ bão kề bên
(…………………)
Còn rất nhiều những phong cách khác, những trích dẫn hẳn là chưa đủ. Để định dạng, cần có nhiều thời gian. Những cú nghiêng chao, bay liệng của Haiku Việt trên nền trời xanh thẳm, đủ nói lên khả năng tiềm tàng và sức khai phá độc đáo. Trong sự lan tỏa của Haiku, chúng ta đã khẳng định với thế giới rằng, Haiku Việt có sức sống mãnh liệt, và hòa nhập theo cách tự nhiên của nó.
Vâng, “hòa nhập chứ không hòa tan”, thơ Haiku vẫn là Haiku Nhật Bản. Không thể khác. Người Việt chúng ta có câu “đến dây thì phải ở đây”. Thơ Tàu, thơ Pháp, thơ Mỹ vv…đến đất Việt đã “hóa tâm hồn” rồi. Chúng ta luôn trân quý cái đẹp với niềm gọi mời thiết tha.
Thế đấy. Những cánh én. Chao…
Đà Lạt mùa xuân 2017
N.T.N