Bức tranh thơ kỳ diệu Đinh Nhật Hạnh- Nguyễn Thánh Ngã

Đi dọc chiều dài thơ Đinh Nhật Hạnh, tôi nhặt được những phiến khúc thênh thang. Ở đời, chỉ cần một bài ghim vào lòng độc giả, là hạnh phúc lắm rồi. Vậy mà Haijin Đinh Nhật Hạnh lại có nhiều bài ghim, như thế chẳng hạnh phúc lắm sao?

Đầu tiên, xin mời người đọc trôi vào dòng sông đời tác giả, để thấy sông duềnh lên những ước mơ:

“quanh quẩn dòng sông

buồm mơ

biển rộng”

Quả thật, chúng ta lâu nay như “gà què ăn quẩn cối xay”, quên mất mũi của con thuyền vót nhọn để rẽ sóng. Quanh quẩn là hai từ buồn bã nhất của người có đôi chân vạn dặm. Bài thơ gợi cho chúng ta vươn lên như cánh buồm lộng gió, ước mơ hướng về biển rộng.

Vâng, đại dương mênh mông là niềm mơ ước của bao kình ngư. Chúng ta còn chần chừ gì nữa, hãy vượt qua dòng sông nhỏ hẹp, vượt qua chính mình để thử sức, vùng vẫy giữa biển sâu. Có nhà văn nào đã từng nói:”thà chết giữa biển rộng, còn hơn chôn chân nơi vũng chân trâu”. Đó là ý thức giải phóng, vượt thoát của cá chép vượt vũ môn, rất đáng noi gương…

Thời đại chính là con đường mở ra trước mặt, thì đây là cuộc rong chơi từ sông ra biển. Đinh Nhật Hạnh ghi lại hành trình ấy bằng bài thơ:

“Tokyo

  Ô!

 Metro”

Tokyo ư? Dù không được mệnh danh là Kinh đô Ánh sáng, nhưng Tokyo từng là kinh đô của thi ca, nơi Đại thi hào Basho mở ra dòng Haiku bất tuyệt, lừng danh thế giới. Và Kinh đô thi ca ấy dành cho “cánh buồm mơ” Đinh Nhật Hạnh một ngạc nhiên hùng vĩ:”Ô”! Một từ “Ô” ngạc nhiên và cảm khái của tiếng Việt đủ vang động bốn phương trời, đánh thức bao con mắt còn ngủ mơ trên giường hẹp. Một tiếng “ô hô”, như tiếng sấm làm cho cánh đồng Haiku đang vào đòng mơn mỡn xanh tươi. Người thơ Đinh Nhật Hạnh đã từng đến Tokyo, đã nhìn thấy Tokyo, và đôi mắt thi sĩ của ông đã thổi hồn vào dòng haiku vô phân biệt, làm cho đóa Nazuna bừng nở; và góp phần làm cho tiếng Việt rạng rỡ trong phong cách Phù Tang. “Tokyo – ô – metro” đã kết lập thành tam vận, mang tính logic trong thơ Việt, lại ẩn chứa trong nó con tàu điện ngầm siêu tốc như thơ của họ vậy. Khó thấy mà sâu xa, nhẹ nhàng mà hùng vĩ, bao la, một kiểu chơi chữ ngoạn mục của bậc thầy ngôn ngữ.

Phiến khúc trên, cho ta thấy cảm hứng cao vời của Đinh lão thi. Tài danh như thế mà vẫn im lặng đứng sau một CLB của Thủ đô, thì ông quả là bậc cao nhân đáng nể.

Hãy đọc bài haiku sau đây:

“se sẻ chiếm tầng thấp

sơn ca

đành bay cao”

Một hiện thực đời sống đã được phơi bày. Cuộc đời như một chung cư, có cả mọi tầng lớp. Chim sẻ thì ưa những tầng thấp, hợp với bản tính bay lượn và cách làm tổ của chúng. Điều đó, vô hình trung đã đẩy những con sơn ca đi chỗ khác. Đó là tình thế xã hội, buộc nó phải bay cao hơn…

Nguyên lý của làn hương là thế. Những tài năng không chọn được cuộc đời, thì cuộc đời chọn họ. Trong những trường hợp ắt phải “bay cao” đã trở thành bản tính, bản tính thuộc về tài năng tiếng hót của sơn ca.

Tuy vậy, con đường chim sơn ca không phải là hoàn mỹ. Chúng được mệnh danh là loài có tiếng hót mê hoặc lòng người, là chàng Trương Chi của thế giới loài chim. Vô tình, có sự trùng hợp ngẫu nhiên trong bài thơ Đinh Nhật Hạnh sáng tác những năm gần đây, khi ký ức mở ra:

“phương ấy

mỏi mòn

tím chiều xuân vời vợi”

Phương ấy là phương vô định. Và “người xưa” đã lưu lạc đến “mỏi mòn”, thì tiếng sáo Trương Chi mỗi lần cất lên là mỗi lần não ruột :

“Phũ phàng chi lắm hóa công

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”

(Nguyễn Du)

Đọc thơ Haiku Đinh Nhật Hạnh lại gặp một nàng Kiều lục bát trong “ngày xanh mòn mỏi”, đủ thấy tiếng hót mê đắm của loài sơn ca thi sĩ “đoạn trường” đến cỡ nào…

Thì đây, “tím chiều xuân vời vợi”, là bản tình ca không có đoạn kết trong đời nhà thơ. Ai chưa qua tình trường này, không thể hiểu nỗi đau vời vợi là gì giữa chiều xuân mang sắc tím…

Thi tài Đinh Nhật Hạnh là dạng sầu bi thi sĩ, nghĩa là bi cảm mà không bi lụy. Bản lĩnh thi ca “giọng trầm”, đã giúp ông vững vàng trở thành một Lão thi tài hoa mà vô cùng bình dị. Bởi ông đã chọn con đường Haiku ngõ hẹp để sống và để sáng tác. Giờ đây với ngưỡng U90, ông vẫn linh hoạt, sáng suốt chèo chống con thuyền Haiku đất Việt vượt qua ghềnh thác, gian lao. Cảm hứng về một ngày trí sĩ, ông viết:

“thư thái nắng chiều

hoàng hôn

chưa nỡ xuống”

Thư thái là một trạng thái tâm. Và “nắng chiều” luôn là người bạn tri kỷ, hiểu được tấm lòng ông, đã cưu mang tuổi ông ở dạng “chiều mà chưa xế”. Thật ra, như ông đã tự bạch, là chốt cửa hoàng hôn ấy “chưa nỡ” sập xuống, vì muốn ông ở lại thật lâu với cuộc đời này, và đi hết chặng đường còn lại. Người viết được độ thơ này đâu phải dễ. Là người đã vượt trùng trùng sóng đại dương, người đã kêu lên thảng thốt trước Tokyo kỳ ảo xứ Mặt Trời mọc, người đã được Thượng Đế xếp vào hàng “sơn ca” trên thượng tầng khí quyển một chung cư, người đã đi như nàng Kiều suốt 15 năm lưu lạc. Và cuối cùng, người đã về “thư thái” giữa nắng chiều tri âm…

Tôi cho đây là bức tranh kỳ diệu của cuộc vượt thoát dòng chảy, đứng vào hàng tinh hoa của Haiku thế giới. Một bức tranh chưa phải là tổng thể, nhưng là tổng hòa của một năng lực đáng khâm phục.

Đó là Lão thi Đinh Nhật Hạnh thi sĩ, một chàng Trương Chi của thơ Haiku thế giới, được nhiều người kính trọng và quý thương…

SG cuối tháng 01. 2021

N.T.N

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt