Nỗi đau của mẹ- Nguyễn Thánh Ngã

“mái ngói trổ ra

tiễn mẹ đi xa

hương hồn ở lại”

          (Mai Trinh – Phan Phượng Uyên)

Tháng Mười năm nay (10.2020), bão lũ kinh hoàng, khúc ruột miền Trung xơ xác. Khi tôi viết bài này, bão số 9 đã vào đất liền gây thêm tang tóc cho người dân. Chết chóc, đổ nát, tang thương chồng chất. Xót đau trước thảm cảnh nước dâng lên tới nóc, Mai Trinh đã viết “mái ngói trổ ra”!

Vâng, mái ngói chính là nơi thoát thân khi nước lũ dâng cao một cách bất thường, người dân chưa kịp trở tay, đành phải trèo lên mái nhà tránh lụt mà thôi. Chứng kiến những hình ảnh bi thương trên mạng thông tin, nhà thơ dằn lòng hạ bút “tiễn mẹ”…, một người mẹ già nơi vùng lũ vừa ra đi, bỏ lại mái nhà thân yêu, bỏ lại lũ con, bỏ lại xóm làng chìm trong cơn “đại hồng thủy” mênh mông.

Và người mẹ ấy… “đi xa”!

Hai chữ “đi xa” xót xa hơn bao giờ hết! Đi xa mà không thể đi xa, phải đi xuyên qua mái nhà vừa được trổ ra. Đấy là tử lộ của mẹ sao? Không ai dám nghĩ, và nó chỉ xảy ra trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, bế tắc. Mai Trinh đã chộp được cái khoảnh khắc có một không hai đó, và đau thương dồn nén đã thành thơ.

Thơ haiku như dòng lệ khô khóc người, dù nước lũ dâng đầy nhưng nước mắt khô cạn!

Ôi cái hay, chính là nỗi buồn day dứt nhất về thân phận con người. Nhà thơ – Haijin Mai Trinh, đã an táng người mẹ miền Trung trong câu thơ đẫm lệ của mình. Bởi bão lũ cuồng nộ, không cho mặt đất miền Trung yên lành để đào một huyệt mộ trong những ngày này…

Vì thế, hương hồn người quá cố đã “ở lại”. Nhưng ở lại nơi đâu? Nấm mộ bà nơi đâu? Thật là những câu hỏi đứt ruột, bởi chẳng ai có thể ngờ rằng, sẽ có một kết thúc không có kết thúc!…

Thiên tai cuồng nộ là thông điệp thiên nhiên gởi đến con người, nhưng tại sao lại là mẹ? Tại sao mẹ phải gánh chịu nỗi đau nghiệt ngã như thế, hỡi người mẹ miền Trung? Có phải mẹ là chiếc đòn gánh cong oằn, vượt qua giông tố mọi thời, tần tảo nuôi con…

                                           N.T.N

 

Đa tạ nhà thơ Thánh Ngã đã qua trang bình cô đọng  xuất sắc ,nói hộ bao cảm xúc dồn nén khi đọc khúc HKV xuất thần của Haijin nữ Bạc Liêu Phan Phượng Uyên.Cơ duyên thần bí nào xui khiến ,thơ và hình tượng gặp nhau trong không gian TRỜI-NƯỚC bao la ,trên mái nhà trổ ngói ,nước lũ dâng ngập tràn  cảnh 2 người con nâng thi hài Mẹ khẳng khiu trên mái nhà  Quảng Trị! Thảm cảnh có một không hai này trên Thế giới : Thiên táng “ni lon” này biết bao giờ Địa táng!..Bao quanh bốn bề vẫn biển nước mênh mông ..mưa bão vẫn ập tràn về-vô tình gỗ đá.Không tấc đất mộ phần…

Xót xa thay một kiếp Người!

Và  đau đáu  nỗi niềm cảm thương của khúc Thơ cùng lời bình xúc động.

Hà Nội 28/10/2020

Đinh Nhật Hạnh

Bài viết khác

Tác giả: Haiku Việt